Tờ Les Echos (Tiếng vang) của Pháp ngày 28/8 đã đăng bài viết “Tình trạng khan hiếm nước ngày càng nghiêm trọng hơn trên hành tinh”, dẫn báo cáo tổng hợp từ nhiều nghiên cứu được công bố tại hội nghị trên cho thấy hiện vẫn có tới 633 triệu người không có đủ nước dùng và tình trạng sẽ ngày càng nghiêm trọng hơn ở khắp nơi trên Trái Đất.
Báo cáo nhấn mạnh nguyên nhân hàng đầu dẫn tới tình trạng khan hiếm nguồn nước sạch là hiện tượng Trái Đất nóng lên khiến các đợt khô hạn diễn ra thường xuyên hơn. Ngay cả một số TP. châu Âu, như Rome, cũng trải qua tình trạng thiếu nước trong mùa hè năm nay. Trong khi mây ngày càng dày hơn tại các vùng cực, thì tại các khu vực xích đạo như phía nam sa mạc Sahara, Nam Mỹ hay Trung Đông, mây lại mỏng hơn. Mưa lũ cũng ngày càng diễn biến phức tạp với sức tàn phá lớn tại một số vùng, như Bangladesh, nơi có khoảng 6 triệu người dân thường xuyên bị lũ lụt đe dọa.
Một nguyên nhân khác dẫn tới tình trạng khan hiếm nguồn nước sạch là do trữ lượng nước trong các mạch nước ngầm sụt giảm nghiêm trọng. Các mạch nước ngầm vốn chiếm tới 30% lượng nước dự trữ của hành tinh, song lượng nước được lấy đi vượt quá lượng nước bổ sung nhờ mưa.
Cùng với đó, nhân loại đang đứng trước thực tế dân số thế giới gia tăng không ngừng, ước tính sẽ tăng thêm 2,3 tỷ người vào năm 2050, nhiều hơn 20% so với hiện nay. Điều này cũng là một yếu tố khiến nhu cầu sử dụng nước sạch tăng vọt.
Theo chuyên gia Fred Boltx, người đứng đầu lĩnh vực nghiên cứu khoa học và môi trường của Quỹ Rockefeller, các nước đang thực sự đối mặt với một cuộc khủng hoảng nước quy mô toàn cầu và nhu cầu về nước dự đoán sẽ vượt nguồn cung khoảng 40% vào năm 2030.
Chuyên gia Fred Boltx cho biết, ngày càng nhiều người nhận thức được mối đe dọa của tình trạng ô nhiễm và lạm dụng sông hồ, nhưng nhiều người không biết tình trạng cạn kiệt nguồn nước ngầm vốn có giới hạn. Theo ông Boltx, do không nhìn thấy nước ngầm nên con người không thể đánh giá một cách chính xác cũng như không nhận thức được tình trạng cạn kiệt. Theo đó, nước ngầm bị coi thường, bị sử dụng lãng phí và hiện đang trong tình trạng suy kiệt ở tốc độ rất nhanh.
Trong một báo cáo được Ngân hàng Thế giới công bố ngày 29/8 đúng vào dịp diễn ra Hội nghị "Tuần lễ Nước thế giới", với tình trạng cung cấp nước bất hợp lý và điều kiện vệ sinh kém, mỗi năm khu vực Trung Đông và Bắc Phi phải chịu khoản thiệt hại kinh tế lên tới 21 tỷ USD. Sự yếu kém trong việc quản lý nguồn nước và điều kiện vệ sinh tại khu vực khan hiếm nước nhất thế giới này làm tốn kém khoảng 1% tổng sản phẩm GDP của khu vực mỗi năm.
Trao đổi với báo giới, bà Claudia Sadoff, người dẫn đầu cuộc nghiên cứu, cảnh báo vấn nạn khan hiếm nước sạch có thể làm bùng phát các cuộc xung đột. Đơn cử như Syria, nơi thực trạng quản lý nguồn nước yếu kém trong nhiều thập kỷ qua đã khiến người dân và ngành nông nghiệp điêu đứng trước những đợt hạn hán, dẫn đến các vụ mùa thất bát, góp phần vào tình trạng thất nghiệp và bất ổn.
Để giải quyết tình trạng trên, các tác giả báo cáo đều nhấn mạnh điều này không chỉ đòi hỏi có sự hỗ trợ của công nghệ, mà chính phủ các nước cần nỗ lực cải thiện các phương pháp quản lý nguồn nước một cách hiệu quả.