Nước máy bị đục

TT - Nước máy tại TP.HCM bị đục theo từng đợt đã xảy ra từ lâu nhưng đến nay vẫn chưa có được lời giải thích thuyết phục. Dựa trên các thông tin được đăng tải trên báo Tuổi Trẻ ngày 26-5, bạn đọc Trần Văn Mô đưa ra một số ý kiến.

nuoc may den

nước máy đen ngòm

1. Việc xử lý mangan (Mn) tại nguồn (sông Sài Gòn) hay tại nhà máy không ảnh hưởng đến chất lượng nước phát vào mạng lưới cấp nước thành phố, không thể có “lượng Mn được loại bỏ vẫn luẩn quẩn đâu đó”.

2. Nếu nước của Nhà máy Tân Hiệp (NMTH) có hàm lượng Mn trung bình vào khoảng 0,02 - 0,05 mg/l có thể coi là chất lượng cao. Để chứng minh điều này, chúng ta hãy so sánh với tiêu chuẩn chất lượng nước cấp của VN và của một số nước công nghiệp phát triển về chỉ tiêu Mn (đơn vị mg/l) như sau:

Tiêu chuẩn Việt Nam: 0,1; CEE: mức hợp lý 0,02, mức tối đa 0,05; Mỹ: 0,01 - 0,05; CHLB Đức: 0,1; Bỉ: 0,1; Tây Ban Nha (Fe + Mn): 1,5; Ý: 0,2; Thụy Điển: 0,1; Pháp: 0,05.

Như vậy có thể đánh giá nếu chất lượng nước NMTH vượt quá 0,05 mg/l vẫn chưa xảy ra lắng cặn trong ống.

3. Nếu hàm lượng Mn trong nguồn nước (sông Sài Gòn) dao động từ 20 - 40 mg/l trong khi dây chuyền công nghệ xử lý của NMTH thuộc loại bình thường (tuy có cải tiến) mà vẫn đạt chất lượng 0,02 mg/l là có chút nghi ngờ về độ tin cậy.

4. Lâu nay việc giải thích màu đen của nước máy là do Mn ngưng màu nâu và màu vàng thì vẫn chưa được giải thích. Vì lẽ đó chỉ tập trung vào lý do Mn của NMTH là chưa thuyết phục.

Để giải thích hiện tượng này một cách nhất quán và logic, quan niệm của tôi là: mặc dù nước máy bị đục có thể có nguyên nhân từ Mn nhưng chủ yếu là do nguyên nhân ăn mòn vi sinh. Màu đen, màu nâu và màu vàng thực chất chỉ là FeS - một sản phẩm do quá trình ăn mòn vi sinh tạo ra.

5. Đặc điểm của quá trình ăn mòn vi sinh là tạo ra các “bướu quặng” trên bề mặt bên trong của ống. Các chất lỏng màu đen chứa bên trong các bướu quặng đó.

Dưới tác động của dòng chảy (khi tăng áp lực chẳng hạn) sẽ phá vỡ các bướu quặng và toàn bộ các bướu quặng bị phá vỡ cùng chất lỏng màu đen trôi theo dòng nước làm cho nước máy bị đục.

6. Chính quá trình tạo thành các bướu quặng này sẽ dẫn đến nguy cơ ống nước bị thủng. Nếu đúng là nguyên nhân ăn mòn sinh học mà không được khắc phục sớm thì đây sẽ là một “thảm họa”.

7. Vì sao hiện tượng nước đục chủ yếu xảy ra ở khu vực nhận nước, NMTH?

Điều này có thể giải thích như sau:

Nguồn nước của NMTH (sông Sài Gòn) thường bị nhiễm mặn khi có độ mặn rất cao. Do đó nước có hàm lượng SO42- cao. Nước sông Sài Gòn hàm lượng hữu cơ cũng cao. Đây chính là những điều kiện thuận lợi cho quá trình ăn mòn sinh học.

Có thể nhận định rằng hiện nay loại vi khuẩn khử sulfat ở trong ống là rất nhiều.

8. Trong thời gian qua khi có hiện tượng nước máy bị đục NMTH có thể đã tăng cường khử trùng bằng clo, hàm lượng clo dư có thể cao. Đây chính lại là một nguyên nhân thúc đẩy quá trình ăn mòn vi sinh.

9. Tình trạng nước máy bị đục đã kéo dài nhiều năm, chẳng lẽ bó tay? Thiết nghĩ Bộ Xây dựng - cơ quan quản lý chuyên ngành - nên có sự hỗ trợ cần thiết.

KS TRẦN VĂN MÔ

Biên tập bởi Ngọc Phùng