Nhận biết nguồn nước máy không đạt chuẩn và cách xử lý
Nước là nguồn tài nguyên quý giá và cần thiết trong cuộc sống hàng ngày của mỗi chúng ta. Tuy nhiên theo một báo cáo mới đây được đưa ra, hơn 95% mẫu nước sinh hoạt không đạt chuẩn hóa lý lấy từ 7 quận, huyện tại Thành phố Hồ Chí Minh có thể gây nên các bệnh nguy hiểm như bệnh đường ruột, tiêu chảy, sỏi thận…
Ngay tại Thủ đô Hà Nội, tình trạng thiếu nước sạch, nước nhiễm khuẩn độc hại cũng diễn ra nghiêm trọng. Hàng nghìn người dân sống tại quận Hà Đông đã từng phải đối mặt với cảnh thiếu nước trầm trọng trong suốt hơn 20 ngày. Chưa kể họ phải sống trong sự lo lắng về nguồn nước bị nhiễm khuẩn chứa asen, amip độc hại, đe dọa đến tính mạng.
Cách nhận biết nước không đạt chuẩn
Có thể thấy, tại các thành phố lớn, vấn đề ô nhiễm nguồn nước máy, nguồn nước sinh hoạt đều khiến người dân hoang mang lo lắng. Nhằm giúp các hộ gia đình tránh sử dụng nguồn nước không đảm bảo chất lượng, sau đây sẽ là một số cách nhận biết cơ bản về nguồn nước máy không đạt chuẩn.
Nước vô cùng cần thiết trong cuộc sống sinh hoạt hàng ngày (Ảnh minh họa: Internet)
- Nước nhiễm khuẩn sắt, phèn: Nước có mùi tanh(nước bị nhiễm sắt nặng), sau khi để nước ngoài không khí, sẽ thấy có màu vàng xanh. Sử dụng nước chè khô hoặc cây chuối cho vào nguồn nước, nếu nước chuyển sang màu tím thì chứng tỏ đã nhiễm sắt.
- Nước bị nhiễm chất hydrogen sulfide (H2S): Nước có mùi giống như mùi quả trứng thối. Loại nước này có đặc tính ăn mòn, làm xỉn màu các vật dụng bằng bạc hay bằng đồng; làm cho đồ gốm hay quần áo có vết đen.
- Nước cứng và nước nhiễm mangan: Nước có màu vàng đen. Khi nấu ăn loại nước này làm cho rau, thịt khó chín được. Loại nước nước ảnh hướng rất lớn đến tuổi thọ của các thiết bị sử dụng nước hàng ngày. Nước cứng có vị đắng.
- Nước nhiễm clo: Nước có mùi nồng như mùi thuốc sát trùng. Ngoài ra, nước có mùi gây khó thở, buồn nôn, tạo cảm giác khó chịu đó là nước bị nhiễm clo và phenol.
Cách xử lý những nguồn nước bị nhiễm bẩn
- Cách đơn giản nhất là bạn luôn luôn đun sôi nước trước khi sử dụng. Không uống nước đã đun quá 24 giờ.
Một số biện pháp xử lý nước đơn giản giúp nguồn nước đảm bảo an toàn cho sức khỏe gia đình (Ảnh minh họa: Internet)
- Khi nước bị nhiễm khuẩn sắt, phèn thì bạn cho 10g vôi sống vào 140 lít nước. Sau đó bạn chờ cho lắng xuống khoảng 1 giờ. Tiếp theo cho nước vào thùng, khoắng lên nhiều lần rồi lại để lắng.
Dùng phèn chua đã giã nhỏ với tỉ lệ nửa cà phê phèn chua ứng với 25 lít nước đổ vào thùng khuấy đều để sắt và phèn lắng dần xuống đáy. Sau đó bạn gạn lấy nước trong, rồi khử trùng bằng Chloramin B với liều lượng 15g/m3 (tương đương khoảng 3 thìa cà phê). Bằng cách khử nước khuẩn này, nước sẽ đảm bảo hơn nên bạn có thể sử dụng dễ dàng.
- Với những loại nước khác, bạn có phơi dưới ánh nắng mặt trời 1 - 2 ngày, để lắng các chất độc hại, sau đó gạn nước ra, sử dụng các biện pháp lọc nước thông thường hiện nay như than hoạt tính, dạng phun mưa….
Tuy nhiên đây chỉ là những giải pháp xử lý tạm thời, thực tế thì dù nước không màu, không mùi vị, không bị cặn nhưng vẫn là nước nhiễm khuẩn như nước có chứa asen và amip ăn não người không nhìn ra bằng mắt thường.
Cách tốt nhất là bạn nên trực tiếp mang nước đến các đơn vị chuyên môn để làm các xét nghiệm xem nước sinh hoạt hàng ngày có bị nhiễm khuẩn hay không và xin các biện pháp giải quyết phù hợp nhất đối với loại nước mà gia đình bạn đang sử dụng.