Dự án nước sạch ở Vĩnh Phúc có nhiều sai phạm

Hàng loạt dự án, công trình xây dựng trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc dường như bị "treo" tiến độ và có dấu hiệu xuống cấp nghiêm trọng. Theo tìm hiểu, những công trình này phần lớn khi hoàn thành sẽ đáp ứng được nhu cầu an sinh xã hội, tuy nhiên, khi vận hành người ta mới ngã ngửa bởi tính khả thi của nó…

Chỉ mới trong giai đoạn dùng thử nhưng nước nồng nặc mùi lạ, tắm xong bị dị ứng da và đóng cắn dưới đáy chậu khiến người dân lo lắng. Nghi ngờ chất lượng nước dùng thử tại nhà máy nước sạch không đảm bảo, nhiều hộ dân đã khóa vòi và ngừng sử dụng…

Người dân khóa vòi, ngừng sử dụng

Người dân xã Đại Tự, huyện Yên Lạc, tỉnh Vĩnh Phúc phản ánh về việc công trình Nhà máy nước sạch xã Đại Tự vừa đi vào vận hành thử từ ngày 23/2/2016 đã bộc lộ nhiều bất cập về chất lượng nước không đảm bảo.

Được biết, Nhà máy nước sạch Đại Tự là công trình xây dựng năm 2015, cấp nước sinh hoạt tập trung liên xã Đại Tự (huyện Yên Lạc) và xã Phú Đa (huyện Vĩnh Tường). Nhà máy đi vào hoạt động và vận hành thử từ ngày 23/2/2016 đến ngày 30/4/2016. Trong quá trình chạy thử đã có 700/2053 hộ đăng ký sử dụng.

Theo tính toán, Nhà máy nước sạch Đại Tự sẽ cung cấp nước sạch cho người dân 2 xã Đại Tự (Yên Lạc) và xã Phú Đa (Vĩnh Tường). Tuy nhiên, trong quá trình vận hành và cho chạy thử, nhiều hộ dân dùng đã thắc mắc và nghi ngờ về chất lượng nước của nhà máy này.

Khi sử dụng nước để luộc thịt và hầm xương thì thịt và xương chuyển sang màu đỏ. Nước bơm ra chậu xuất hiện lắng cặn ở đáy chậu. Đặc biệt, dùng nước để tắm sau ít phút thì da bị dị ứng mẩn đỏ và ngứa ngáy, nước có mùi chất khử Clo nồng nặc.

Trao đổi với PV, ông Ngô Văn Tuấn, thôn Cẩm Nha, xã Đại Tự bức xúc: "Chúng tôi được nhà máy cho sử dụng thử nước miễn phí trong thời gian từ cuối tháng 2 đến hết tháng 4, khi dùng gia đình tôi có nhiều thắc mắc về chất lượng nước của nhà máy, biểu hiện chung là dùng nước luộc thịt và xương thì thịt và thịt có màu đỏ. Vài hôm tôi sử dụng nước tắm, sau khi tắm xong người có cảm giác lạ, thấy khó chịu, cũng không hiểu là vì sao nhưng nhiều nhà cùng bị như vậy nên tôi không dùng nữa”.

nha may xu ly nuoc sach

Nhà máy nước sạch nhưng dân không dám dùng vì...bẩn.

 

Rất nhiều người dân xã Đại Tự tiết lộ, trước đây sử dụng nước giếng đào và giếng khoan thì không có biểu hiện gì, nhưng khi dùng thử nước của Nhà máy nước sạch Đại Tự một thời gian thì cảm thấy lo lắng về chất lượng nước. Bởi, nước của nhà máy khi bơm ra chậu một lúc xuất hiện cặn màu vàng váng lại, bám chặt vào đáy chậu, mùi nước thì nồng nặng chất khử Clo”.

Trả lời những thắc mắc và lo ngại của người dân, ông Phan Đình Huân – Tổ trưởng tổ vận hành Nhà máy nước sạch Đại Tự phân trần: “Hiện nhà máy chưa đi vào hoạt động, do chưa quyết toán. Tôi cũng là cán bộ mới về làm hồi cuối tháng 4 nên không nắm được”?!.

Mặc dù chưa đi vào hoạt động nhưng khi nhà máy cho người dân dùng thử nước đã không hề khuyến cáo gì về chất lượng nước. Theo thông báo số 25/TB-TTNSH & VSMTNT của nhà máy gửi lên UBND xã Đại Tự có ghi: “Trong thời gian vận hành chạy thử đến nay đã có 700/2053 hộ đăng ký sử dụng, qua thực tế theo dõi và lấy mẫu xét nghiệm, kết quả cho thấy nước đầu ra của công trình cấp nước sau khi xử lý đạt QCVN 01/2009/BYT của Bộ Y Tế. Và nhà máy chính thức chốt đồng hồ từ 1/5/2016 với đơn giá là 5000 đồng/m3”.

Liệu rằng chất lượng nước đầu ra của nhà máy đã thật sự đạt chuẩn hay chưa? Việc chốt số đồng hồ và bán nước cho người dân sử dụng từ ngày 1/5 đã hợp lý hay chưa khi còn nhiều lo lắng về chất lượng nước mà người dân đã sử dụng?...

Lượng Amoni vượt quá tiêu chuẩn

Được biết, Nhà máy nước sạch Đại Tự cho người dân dùng thử với thời gian 3 tháng không mất phí, thay vì vui mừng, nhiều hộ dân lại băn khoăn, lo lắng về những biểu hiện không bình thường của công trình nước sạch đạt chuẩn này.

Người dân địa phương lo ngại bởi: Đáng lẽ đây là công trình hứa hẹn nâng cao sức khỏe của người dân xã Đại Tự – Phú Đa; giảm các dịch bệnh do sử dụng nước không hợp vệ sinh gây ra, nhất là phụ nữ và trẻ em; tạo cho người dân có ý thức dùng nước sạch, từ đó có ý thức bảo vệ nguồn nước, bảo vệ môi trường, góp phần cải thiện nâng cao điều kiện sống cho người dân, thúc đẩy phát triển kinh tế.

Mặt khác, mục tiêu của công trình này là đảm bảo cung cấp nước sạch liên tục và đạt tiêu chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước dùng cho ăn uống (QCVN 01:2009/BYT của Bộ Y tế). Tuy nhiên, thực tế thì lại khác...

Liên hệ với ông Lưu Văn Bộ - Phó GĐ Trung tâm nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn Vĩnh Phúc và được biết: “Sau khi nhận được thông tin phản ánh, trung tâm cũng đã tự kiểm tra và nhận thấy nồng độ amoni vượt quá tiêu chuẩn cho phép khoảng 3 miligam/lít nước. Đây cũng có thể là nguyên nhân gây ra hiện tượng người dân luộc thịt, xương có hiện tượng màu đỏ bất thường”.


Phi lý những dự án tiền tỷ ở Vĩnh Phúc: Sợ vì dự án nước... bẩn

Ông Lưu Văn Bộ: Có thể có việc bớt xén làm ảnh hưởng đến chất lượng giếng.

“Công trình Nhà máy nước sạch Đại Tự được đầu tư số vốn 30 tỷ đồng. Đặc biệt, công trình này đang bị quá thời gian thi công, đơn vị chưa chính thức nhận bàn giao. Hiện tại, công trình này đang được xin gia hạn thêm thời gian để tiếp tục hoàn thiện”, ông Bộ cho biết thêm.

Một thông tin khác khiến dư luận không khỏi băn khoăn là phải chăng trước khi khai thác lượng nước ngầm, cụ thể là hai giếng khoan có công suất lớn, đơn vị thi công đã không khoan thăm dò, dẫn đến chất lượng nước không đảm bảo? Thậm chí, một giếng khoan hiện tại đang không thể sử dụng được.

Lý giải về điều này, ông Lưu Văn Bộ cho rằng, giếng khoan không thể sử dụng, không đảm bảo chất lượng nước có nhiều lý do. Có thể có việc bớt xén làm ảnh hưởng đến chất lượng giếng. Hoặc, khi khoan thăm dò vào vị trí xung quanh, khi khoan giếng thường khoan ở vị trí khác và mạch nước ở đây không đảm bảo, có nhiều bùn chẳng hạn thì sẽ không thể hoạt động được…

Bộc lộ nhiều sai phạm

Là công trình sử dụng vốn vay Ngân hàng Thế giới với tổng mức vốn đầu tư lên đến 30 tỷ đồng, đã quá thời gian bàn giao và đưa vào sử dụng nhưng công trình Nhà máy nước sạch Đại Tự vẫn ì ạch vì chất lượng nước đầu ra của nhà máy chưa đạt chuẩn?!

Công trình xây dựng Nhà máy nước sạch Đại Tự được xây dựng cuối năm 2014 với thời gian thi công là 360 ngày, tuy nhiên đến nay đã quá 6 tháng so với thời hạn phải bàn giao, nhưng công trình vẫn chưa thể bàn giao.

Lý giải về thực trạng trên, Giám đốc Trung tâm nước sạch và VSMT Vĩnh Phúc (chủ đầu tư của công trình Nhà máy nước sạch Đại Tự) cho biết : “Công trình vẫn đang trong quá trình triển khai và hoàn thiện nên chưa thể bàn giao”.


Phi lý những dự án tiền tỷ ở Vĩnh Phúc: Sợ vì dự án nước... bẩn (1) - Ảnh 3

Người dân không dám dùng nước sạch vì... quá bẩn.

Vậy tại sao là đơn vị chủ đầu tư, nhưng Trung tâm nước sạch và VSMT Vĩnh Phúc trong quá trình thi công lại không giám sát các nhà thầu và đơn vị thi công để xảy ra hậu quả là 1 trong 2 giếng không thể sử dụng được?

Và, với tổng vốn đầu tư là 30 tỷ đồng thì các hạng mục công trình của nhà máy đã sử dụng tiêu tốn như thế nào và triển khai ra sao khi đến nay công trình vẫn “ì ạch” khắc phục?

Mặt khác, việc chậm tiến độ sẽ ảnh hưởng đến nguồn vốn vay mà theo lãnh đạo Trung tâm nước sạch và VSMT nông thôn Vĩnh Phúc thì “trước sau gì cũng phải trả, cả vốn lẫn lãi”…

Gần 3.000 hộ dân vẫn ngày đêm mong mỏi có thể sử dụng nguồn nước sạch “đạt chuẩn” đảm bảo sức khỏe nhưng không dám sử dụng nguồn nước chưa “đạt chuẩn” của nhà máy. Nhu cầu dùng nước sạch là cấp thiết đối với người dân nhưng họ sẽ phải tiếp tục “chờ” để đơn vị cung cấp nước “khắc phục hậu quả”.

Thông tin mới nhất mà chúng tôi nhận được, đến thời điểm này phòng Cảnh sát Môi trường - Công an tỉnh Vĩnh Phúc đã bắt đầu vào cuộc điều tra làm rõ. Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin vụ việc này tới bạn đọc trong các bài báo tiếp theo.

Biên tập bởi Ngọc Phùng